Tác giả: Tuấn

Chương 1: CHUYẾN ĐI
Tôi có dịp theo chân đoàn thanh niên tình nguyện của xã tới một khu vực làng chài ven sông. Mới đến đầu đê đã thấy những căn nhà lợp tôn lụp xụp được dùng làm chỗ ở của hàng chục hộ ngư dân. Theo nguồn tin chúng tôi nắm được, cuộc sống của người dân vùng này còn gặp nhiều khó khăn, hầu hết người ở đây đều không biết chữ. Nhân chuyến đi lần này, chúng tôi đến để trao tặng một vài phần quà nhỏ cho người dân và động viên các hộ dân cho trẻ nhỏ được đến trường. Những đứa nhóc tóc đỏ hoe vì cháy nắng, làn da ngăm sạm dưới ánh mặt trời nở nụ cười ngây thơ nhìn chúng tôi. Đáng lẽ tuổi này các em phải được đi học như bao bạn đồng trang lứa khác, nhưng vì nhiều nguyên do khác nhau mà lũ trẻ nơi đây chỉ quanh quẩn trên bến dưới thuyền, khi lớn lên lại nối nghiệp cha mẹ làm bạn với chài lưới.
Tiết trời mới chớm đông, ấy vậy mà những cơn gió mang theo làn hơi lạnh buốt vẫn khiến chúng tôi thi thoảng khẽ rùng mình. Chúng tôi nhanh chân theo anh trưởng đoàn ghé vào một căn nhà tạm bợ trên triền đê, đó là nơi ở của một cụ già đơn thân. Những tấm fibro xi măng sứt mẻ trên mái được chắp nối lại với nhau qua loa, bên ngoài quây lại bằng những tấm tôn đã ngả sang màu vàng nâu vì rỉ sét. Ngoài cửa chính nơi bản lề buộc một đầu xích, đầu còn lại nối với cổ của một con chó vàng.
‘’Cụ Nghiêm ơi, cụ Nghiêm! Cụ có nhà không ạ.’’
Nghe tiếng chúng tôi tới, con chó vàng nhà cụ Nghiêm sủa lên inh ỏi. Cụ Nghiêm từ trong nhà lững thững bước ra, nghe chúng tôi giới thiệu là đoàn thanh niên tới thăm, cụ vui vẻ mời chúng tôi vào nhà.
Cụ Nghiêm năm nay đã bảy mươi lăm tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn lắm, làn da nhăn nheo đánh đổi với thời gian khắc họa chân dung của một người đàn ông cần mẫn. Cụ dẫn chúng tôi vào nhà, khi này chúng tôi mới có dịp quan sát gia cảnh cụ đang ở. Bên trong ngôi nhà xập xệ chẳng có gì đáng giá, có lẽ vì hoàn cảnh thiếu thốn và cụ sống một mình nên những vật dụng trong nhà không có nhiều. Giữa gian chính cụ Nghiêm để một bếp lửa than hồng giống như những ngôi nhà trên vùng cao. Đoàn chúng tôi sáu người bốn nam hai nữ ngồi xung quanh, lấy tay huơ trên bếp lửa vì rét buốt. Trời mới chớm đông nhưng những cơn gió mang theo hơi lạnh đầu mùa luôn chờ chực thổi thộc vào tận da thịt người nào trót ra ngoài chỉ với một manh áo mỏng. Cái buốt lạnh nơi vùng sông nước trống vắng này lại càng cảm nhận rõ hơn, đó không chỉ là vấn đề thời tiết, mà trong ngôi nhà của cụ tôi còn thấy thiếu cả hơi người.
Ngồi trò chuyện với cụ một lúc, anh trưởng đoàn lên tiếng hỏi:
‘’Xin phép cụ cho con hỏi, sao… cụ không lập gia đình ạ? Những lúc như thế này cụ cần phải có người chăm lo chứ ạ.’’
Cụ Nghiêm nheo mắt lại cười, nụ cười của cụ để lộ ra hàm răng đen nhánh vì hay nhai trầu, cụ trả lời:
‘’Khổ lắm mấy anh chị ạ, cũng có phải là không muốn đâu. Tại hồi trẻ, phận tôi nó vướng vào cái nghề trăm người sợ, vạn người kinh nên thôi, tôi đành ở vậy. Còn trời bắt đi lúc nào thì mình đi lúc ấy, có gì đâu.’’
Tôi lấy làm tò mò, lễ phép hỏi cụ:
‘’Cụ cho con hỏi, hồi trẻ cụ làm nghề gì thế ạ?’’
Cụ Nghiêm bỗng thở dài, tay bắc lên kiềng bếp cái ấm đun nước đã đen sì vì ám muội than. Cụ nhóm vào bếp thêm hai thanh củi cho lửa cháy to hơn, sau khi xong xuôi cụ Nghiêm mới trả lời tôi:
‘’Nghề tôi từng làm, nói ra chỉ lo các cô các cậu sợ tái người mà thôi.’’
Nghe cụ Nghiêm nói vậy, tôi vừa thấy lạ vừa hứng thú. Anh chị em trong đoàn liền giới thiệu tôi là một cây bút dởm, cuồng những câu chuyện lạ, thích ghi chép những sự việc dị hoặc trong đời sống cho cụ Nghiêm nghe. Cụ cười hiền từ, rồi ngỏ ý muốn kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện ghê rợn liên quan đến việc cụ làm hồi trẻ mà bây giờ mỗi khi nhớ lại làm cụ không khỏi lạnh người.
